Lượt xem: 359

Bảo vệ tôm nuôi trong giai đoạn thời tiết thất thường

Trước những diễn biến phức tạp của covid-19 và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo người nuôi tôm cần chủ động có kế hoạch sản xuất để chuẩn bị nguồn nguyên liệu khi thị trường phục hồi (dự báo là tháng 6, tháng 7).

    Nhằm ổn định sản xuất, tránh những thông tin bất lợi, chủ động tận dụng và đón bắt cơ hội trong sản xuất, nuôi tôm nước lợ năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra các giải pháp trọng tâm để đảm bảo vụ tôm nuôi trong giai đoạn thời tiết đang nắng nóng chuyển sang mưa để địa phương có hướng chỉ đạo kịp thời mùa vụ, cũng như người nuôi chủ động bảo vệ tốt con tôm nuôi tại hộ.

Thường xuyên theo dõi diện tích tôm nuôi nước lợ đã xuống giống trước tình hình thời tiết nắng nóng chuyển sang mưa. Ảnh Thúy Liễu

    Hiện tại thời tiết mưa nắng thất thường nên diện tích tôm đang nuôi cần quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi thật chặt chẽ như đo đạc và khống chế các yếu tố môi trường, sao cho luôn nằm trong ngưỡng thích hợp là độ pH trong ao khoảng 7,5-8,5; thời điểm đo pH (6h sáng và 3h chiều) để xác định ngưỡng dao động (nhỏ hơn 0,5); độ kiềm từ 80mg/l trở lên (sú), thẻ (100mg/l trở lên); độ trong màu tảo xanh nhạt từ 20-30cm. Song song đó, người nuôi tôm nên thường xuyên bổ sung các loại khoáng chất thiết yếu vào nước cho tôm hấp thụ như Ca2+, Mg2+, K+ theo tỷ lệ Ca:Mg:K là 1:3,4:1 nhất là ở các ao nuôi lót bạt mật độ cao và chạy quạt để đảm bảo dòng chảy, tránh phân tầng nhiệt độ và đảm bảo hàm lượng oxy trong nước luôn ≥5 mg/l... Ngoài ra, hàm lượng khí độc như Nitrite (NO2), NH3 cần phải đo đạc thường xuyên để phát hiện và xử lý sớm.

    Trong việc quản lý cho tôm ăn, người nuôi tôm nên cho tôm ăn từ thiếu đến vừa đủ, khoảng 80% lượng khuyến cáo, vào những ngày nắng gay gắt, ngày mưa dầm đột ngột hay nói chung khi nhiệt độ trên 32oC hay thấp hơn 24oC nên giảm 30-50% lượng thức ăn, thậm chí cắt bỏ cử ăn, đồng thời tăng cường sử dụng vi sinh, men tiêu hóa để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn, làm sạch môi trường nước ao nuôi… Đảm bảo hàm lượng oxy hòa tan trong nước luôn ≥5 mg/l để tôm tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn tốt hơn. Định kỳ kiểm tra mật số vi khuẩn Vibrio trong ao (<400cfu/ml) và sử dụng men vi sinh xử lý đáy, xử lý nước (Bacillus sp, Nitrosomonas/Nitrobacter, Rhodobacter…) để ức chế vi khuẩn có hại điển hình là vibrio. Còn đối với tôm nuôi đến kỳ thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ và các cơ sở đang nuôi với mật độ dầy, tôm kích thước nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất.

    Riêng diện tích chuẩn bị thả giống, Sở NN&PTNN khuyến cáo người nuôi tiếp tục rải vụ, thả giống với mật độ thưa, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để hạn chế rủi ro, hạ giá thành nhằm chuẩn bị tốt nguồn tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu trong quý II/2020 và các tháng tiếp theo. Cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm nước lợ tập trung để kịp thời khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi. Kiểm soát tốt chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; điều kiện cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (bao gồm kiểm soát việc sử dụng Ethoxyquin theo quy định của EU). Triển khai nghiêm việc đăng ký cấp mã số cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Nuôi tôm áp dụng công nghệ tiên tiến góp phần tăng sản lượng tôm nuôi nước lợ. Ảnh Thúy Liễu

    Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, trong tình hình thời tiết đang nắng nóng chuyển sang mưa nên sẽ gặp bất lợi cho con tôm nuôi nước lợ. Vì vậy, ngoài các hướng dẫn khuyến cáo ngành Nông nghiệp vừa nêu trên, nhằm hỗ trợ bà con nông dân nuôi tôm thì ngành cũng đang tiếp tục triển khai các giải pháp tổng hợp lồng ghép là tổ chức sản xuất nuôi tôm từ các hộ nhỏ lẻ thành lập các tổ nhóm nuôi tôm để có sự đồng quản lý về môi trường và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn; kiến tạo, thúc đẩy chuỗi liên kết đầu vào và đầu ra sản phẩm theo hướng thực hành nuôi tốt và chứng nhận chất lượng sản phẩm như VietGAP, ASC... để nâng cao giá trị gia tăng của tôm, ổn định được thị trường tiêu thụ. Thông qua áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất nhằm đạt năng suất và chất lượng tôm thương phẩm, chú trọng phát triển các hình thức nuôi thân thiện với môi trường như tôm - lúa, tôm hữu cơ nâng cao giá trị gia tăng và quảng bá hình ảnh tôm thương hiệu Việt Nam.

    Thường xuyên tuyên truyền việc thả giống tôm nuôi nước lợ theo khung lịch thời vụ của ngành; khuyến cáo người dân không được sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi tôm; nhân rộng các mô hình nuôi, các quy trình nuôi có hiệu quả, có sức chống chịu trong tình hình biến đổi khí hậu cũng như đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, phổ biến tuyên truyền mô hình nuôi tiên tiến và hiệu quả đến người nuôi tôm. Theo dõi sát tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủy sản tại các địa phương nhằm kịp thời thông tin về nhu cầu của thị trường tiêu thụ và chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất thích ứng trước các biến động mới” - đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã cho biết thêm.
Thúy Liễu


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 8100
  • Trong tuần: 78,807
  • Tất cả: 11,802,127